“Nút” thắt tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Thực hiện trao quyền cho doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX) hàng hóa là phương thức mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Tuy nhiên, hiện mới thực hiện thí điểm cơ chế này và việc thực hiện vẫn còn những nút thắt. Xem thêm: Tự chứng nhận xuất xứ: Thách thức hay cơ hội?

made-in-viet-nam-maikalogistics

Khi thực hiện tự chứng nhận xuất xứ, DN cần có cán bộ đủ năng lực, kiến thức. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp chưa tự tin

Theo bà Bùi Kim Thùy, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục XNK (Bộ Công Thương), C/O giúp xác định hàng hóa NK đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan hay không. “Chúng tôi hay nói vui, C/O giống như hộ chiếu để DN đi nước ngoài, là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để cơ quan Hải quan nước ngoài biết được hàng hóa đến từ đâu, đáp ứng đúng tiêu chí được thiết kế cho hiệp định này hay không và hưởng thuế quan bao nhiêu %”, vị này khẳng định.

Như vậy, C/O là vấn đề khá quan trọng mà DN phải biết đến, có sự am hiểu để tận dụng. Nhận thức được tầm quan trọng của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O, hầu hết các nước trên thế giới đã áp dụng cơ chế TCNXX, tức là trao quyền cho DN được tự chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của mình để được hưởng ưu đãi. Ông Brian Staples, chuyên gia dự án EU- Mutrap cho biết, việc áp dụng các cơ chế tự chứng nhận C/O đang và sẽ là xu hướng tất yếu, xu thế bắt buộc trong đàm phán một số FTA thế hệ mới… “Vì vậy, trong tương lai, cơ chế này sẽ được áp dụng phổ biến tại Việt Nam do các đối tác mà Việt Nam đã có và đang đàm phán FTA đều sử dụng cơ chế này”, ông Brian Staples nói.

Trong khi đó Việt Nam đang đi sau trong vấn đề này, hiện mới chỉ đang thực hiện thí điểm cơ chế TCNXX theo quy định tại Thông tư 28/2015/TT-BCT. Và sau nhiều khóa học về TCNXX do Bộ Công Thương tổ chức, cho đến nay Bộ này mới cấp 1 giấy chứng nhận TCNXX cho Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), trong khi các nước khu vực ASEAN như Thái Lan, Lào, Philippines, Indonesia đã cấp cho DN khá nhiều.

Vì sao lại như vậy? Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK cho biết, khó khăn lớn nhất của DN TCNXX là vấn đề kim ngạch. Với quy định của Thông tư 28, DN phải đạt kim ngạch tối thiểu 10 triệu USD, có quá trình chấp hành tốt pháp luật nhất là thuế, hải quan, XNK; có bộ máy đủ năng lực bởi khi làm tự chứng nhận là DN đang tự làm thay vai trò của Nhà nước. Nếu đội ngũ cán bộ DN không nắm bắt được vấn đề, quy định cần thiết dẫn đến chứng nhận sai thì không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn ảnh hưởng đến quốc gia.

Không chỉ vậy, sự thiếu tự tin của doanh nghiệp khi thực hiện cơ chế TCNXX cũng là một vấn đề “cản trở”. Dù nhận thức được ưu điểm nổi trội của cơ chế này song DN vẫn cảm thấy lo lắng, chưa tự tin khi áp dụng cơ chế TCNXX bởi trách nhiệm của DN sau khi thông quan hàng hóa sẽ nặng nề hơn. Nhất là khi các nước luôn áp dụng cơ chế “quật” lại C/O, hay nói cách khác là họ thực hiện cơ chế hậu kiểm. Xem Đừng quên Hàn Quốc có thể “quật” lại C/O

Làm gì để được trao quyền?

Cốt lõi của cơ chế TCNXX là trao quyền cho DN, nhưng DN phải làm thế nào để có được quyền này? Theo ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên, để có thể tiến hành công tác TCNXX thì DN phải hiểu rất rõ về tất cả những nguồn mà họ sử dụng để sản xuất ra sản phẩm của mình, hiểu rõ thông tin của những nguồn này, DN Việt Nam phải chịu trách nhiệm về tất cả những nguồn họ sử dụng để sản xuất hàng hoá của mình. Có nghĩa là DN phải có trách nhiệm xác minh xem nguồn nguyên liệu để sản xuất hàng hoá như thế nào. “Điều này vô cùng quan trọng khi XK sang các quốc gia khác, vì khi hàng XK có vấn đề, quốc gia NK sẽ tiến hành phân tích những dữ liệu chúng ta cung cấp. Chúng ta phải tự đảm bảo các dữ liệu cung cấp rõ ràng, minh bạch, không che giấu bất kỳ thông tin nào”, ông Claudio Dordi nhấn mạnh.

Tiếp đó, ông Claudio cho rằng, để có thể tham gia TCNXX, DN cần có cơ cấu tổ chức nội bộ, có một hệ thống được thiết lập để đảm bảo TCNXX một cách hiệu quả. Trước đây, muốn được cấp C/O doanh nghiệp đến cơ quan Hải quan hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để xin. Khi đó, trách nhiệm thuộc cơ quan của Chính phủ nhưng khi thực hiện TCNXX thì trách nhiệm lại thuộc về DN.

Đồng tình với quan điểm này, bà Bùi Kim Thùy cho biết, sự khác biệt cơ bản của cơ chế TCNXX và cơ chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O hiện nay đó là với C/O đối tượng là hàng hoá, còn TCNXX đối tượng là con người- Chính phủ trao niềm tin vào DN. “TCNXX là tập trung kiểm tra con người sản xuất, XK hàng hoá đó. Vì thế, DN phải có cán bộ đủ năng lực, đủ kiến thức, có nghiệp vụ giỏi hơn cán bộ cấp C/O để làm chủ toàn bộ quá trình cấp chứng nhận C/O qua internet”, bà Thuỳ nhấn mạnh.

Từ những phân tích trên có thể thấy, quy tắc xuất xứ chính là hàng rào kỹ thuật, nếu doanh nghiệp không nắm vững thì đây là khó khăn lớn nhất mà DN phải đối mặt. Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được các lợi ích mà FTA mang lại thông qua cơ chế TCNXX, ông Hải cho biết, Bộ đang khẩn trương tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 19 về quy tắc xuất xứ – cơ sở nền tảng về quy tắc xuất xứ, qua đó kỳ vọng tháo gỡ cho DN các vấn đề hàm lượng tỷ lệ xuất xứ, thủ tục hồ sơ giấy tờ; triển khai điện tử hóa khai báo C/O qua internet.

Xem thêm Hàng xuất khẩu không ghi “Made in Vietnam” có bị xử phạt?

Nguồn internet

Advertisement

No comments.

Leave a Reply

*